Hai nghị sĩ Mỹ đệ trình dự luật nhằm cho phép Tổng thống Trump chuyển bom xuyên phá GBU-57 và máy bay tàng hình B-2 cho Israel.
Dự luật Bom phá Hầm ngầm (BBA) được nghị sĩ Josh Gottheimer và Mike Lawler đệ trình lên Hạ viện Mỹ ngày 2/7 với mục tiêu "trang bị vũ khí cho Israel nhằm đối phó mối đe dọa hạt nhân thường trực của Iran và củng cố an ninh quốc gia Mỹ".
Nếu được thông qua, dự luật sẽ cho phép Tổng thống Mỹ chuyển "bom xuyên phá hầm ngầm GBU-57 MOP và máy bay cần thiết để triển khai chúng" cho Isreal, nhằm giúp nước này "phòng thủ và loại bỏ cơ sở hạt nhân dưới lòng đất của Iran".
Dự luật không nêu cụ thể loại máy bay, nhưng oanh tạc cơ tàng hình B-2 là mẫu phi cơ duy nhất có khả năng mang siêu bom xuyên phá GBU-57.

Oanh tạc cơ B-2 trở về căn cứ Whiteman hôm 9/5. Ảnh: AP
Dự luật được công bố sau khi Iran đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Nghị sĩ Gottheimer và Lawler cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Tehran vẫn giữ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.
"Israel phải có khả năng tự vệ và ngăn Iran tái xây dựng năng lực hạt nhân. Dự luật lưỡng đảng này sẽ mở đường để Tổng thống Mỹ cung cấp bom xuyên phá hầm cho Israel nhằm ngăn chặn Iran ngay từ đầu. An ninh quốc gia không nên là vấn đề đảng phái", ông Gottheimer, nghị sĩ đảng Dân chủ và thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho hay.
Lawler, nghị sĩ Cộng hòa, nói dự luật sẽ trao quyền cho Tổng thống Mỹ nhằm hỗ trợ Tel Aviv sở hữu các công cụ, chương trình huấn luyện cần thiết để "răn đe Tehran và làm thế giới trở nên an toàn hơn".
Đây là lần thứ ba ông Gottheimer trình dự luật này. Hai lần trước diễn ra trong năm 2022 và 2024, nhưng đều không vượt qua được cấp ủy ban để bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ.
Mức độ quan tâm với dự luật lần này có thể cao hơn trước, sau khi Mỹ lần đầu triển khai bom GBU-57 trong chiến dịch không kích "Búa Đêm" nhằm vào cơ sở hạt nhân Fordow và Natanz ở Iran rạng sáng 22/6. Tổng thống Donald Trump tuyên bố đòn tấn công đã xóa sổ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Tehran.
B-2 Spirit là oanh tạc cơ chiến lược được Mỹ ra mắt năm 1988, cũng là phi cơ đắt nhất trong lịch sử. Giá thành chế tạo một chiếc khi đó là 515 triệu USD, tương đương 1,06 tỷ USD hiện nay. Nếu tính cả chi phí nghiên cứu phát triển, mỗi chiếc Spirit sẽ có giá lên tới 2,1 tỷ USD.
Mỹ đã sản xuất tổng cộng 21 oanh tạc cơ B-2, trong đó một chiếc bị phá hủy hoàn toàn do sự cố trong lúc cất cánh tại đảo Guam hồi năm 2008. Một phi cơ khác bị hỏng nặng do cháy trên mặt đất năm 2010, nhưng được sửa chữa và đưa trở lại biên chế với chi phí rất cao.
Hai chiếc gồm Spirit of Hawaii và Spirit of Georgia cũng bị hỏng nặng, mất khả năng hoạt động do sự cố trong lúc hạ cánh hồi năm 2021-2022. Không quân Mỹ đang sửa chữa chiếc Spirit of Georgia, trong khi Spirit of Hawaii đã bị loại biên do chi phí phục hồi quá cao.
Điều này khiến không quân Mỹ hiện vận hành 18 máy bay B-2, nhưng thường chỉ có 11-12 chiếc đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu, số còn lại phải nằm xưởng bảo dưỡng. Mỹ không huấn luyện phi công nước ngoài vận hành dòng B-2, cũng chưa từng chuyển giao quyền vận hành dòng máy bay này cho bất kỳ đồng minh nào.
VietBF@ sưu tập