Từng là một anh chàng thợ mộc nghèo. Bỗng chốc đổi đời chỉ sau mấy năm bằng nghề trồng lan. Công việc nghề mộc của anh vất vả, nay đây mai đó. Tình cờ khi anh nhận làm một công trình và đã được chiêm ngưỡng nhiều giống lan rừng đẹp khiến anh mê mẩn từ lúc nào không hay.
Ban đầu anh nuôi trồng các loại phong lan phổ thông như Hạc vỹ, Tam bảo sắc, Quế lan hương...
Anh Nguyễn Văn Dương tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất năm 1989 rồi trở về quê phát triển nghề mộc gia truyền của gia đình suốt 25 năm.
“Đầu năm 2017, tôi dành một khoản tiền để mua một kie năm cánh trắng Hiển Oanh (HO). Khi mua về cả gia đình bạn bè mắng trách là "ngộ lan", "dở hơi"...Sau một năm, từ Kie lan HO ban đầu đã cho lợi nhuận trên 60 triệu tiền Kie giống; năm 2019 bán tiếp được 1,5 tỷ đồng tiền Kie giống và đến năm 2020 thì bán được trên 3 tỷ đồng tiền Kie giống HO, chưa kể các loại lan VAR khác”, anh Dương chia sẻ.
Anh Dương chia sẻ thêm, nếu không kinh qua những trải nghiệm trong nghề thì rất khó ai tin được sự thay đổi của gia đình anh nhờ cây lan trong 5 năm qua. Nửa đời người gắn với nghề gia truyền của ông cha, miệt mài lao động mà vẫn nghèo khó, vậy mà chỉ có mấy năm, gia đình anh đã có bao nhiêu thay đổi cả về vật chất lẫn tinh thần.
Để có được thành quả như hiện nay, anh Dương đã tìm hiểu về lan một cách bài bản. Anh dành cả về thời gian, công sức, trí tuệ, sự trải nghiệm và không ngừng đổi mới, sáng tạo để thích ứng kịp với những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Theo anh, nếu có tư duy đầu cơ lướt sóng thì khó có thành công bền vững.
“Tôi nghĩ giá trị trên một đơn vị hoa lan, dù là hoa thường hay hoa lan đột biến sẽ ngày càng có xu hướng giảm đi theo thời gian khi cung đã đuổi kịp cầu, nhưng những nhu cầu về các sản phẩm từ hoa lan sẽ ngày càng được mở rộng”, nhận định như vậy nên anh Dương dốc sức nghiên cứu, nuôi trồng các loại lan quý, hiếm, đẹp cả hương lẫn sắc.
Trước kia thú chơi hoa lan thường gắn với tầng lớp trung niên, nhưng khoảng 05 năm trở lại đây thú chơi này phát triển rất nhanh, đã thu hút được nhiều thanh niên trẻ có kiến thức, trình độ và điều kiện kinh tế đầu tư khởi nghiệp. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nhà vườn ứng dụng công nghệ cao để nuôi trồng, chăm sóc các loại hoa lan Phi điệp, địa lan kiếm đột biến quý hiếm cho hiệu quả kinh tế rất cao. Mô hình hiệu quả này đã được vận dụng và nhân rộng với các quy mô khác nhau. Ở thành thị xuất hiện mô hình vườn lan treo trên mái tầng thượng, ở nông thôn xuất hiện những trang trại hoa lan với quy mô hàng hóa. Dần dần đến nay hình thành một thị trường rất sôi động.
Hoa lan giúp anh Nguyễn Văn Dương có điều kiện chăm lo tốt hơn cho gia đình nhỏ của mình cũng như có điều kiện đóng góp với cộng đồng. Bây giờ, nhắc tới anh Dương không ai còn gọi anh là “dở hơi” nữa mà đều nhìn anh với ánh mắt ngưỡng mộ vì thức thời vươn lên đổi đời, thoát khỏi “kiếp nghèo”.