
Hai em sinh viên chạy chậm lại để nhìn một ông cụ đeo khẩu trang đang loay hoay cầm cây gắp rác bỏ vào bao dọc trên đường phố. Ông cụ che mặt nên nhìn không chắc là ai. Rồi hai em cho xe chạy qua luôn.
Một em nói:
- Sao tôi nhìn giống như giáo sư Vĩnh dạy bọn mình quá.
Em kia cũng đồng tình, rất giống.
Hôm sau vào lớp, giáo sư già giảng bài xong chợt nêu câu hỏi:
- Khi cần thư giãn tinh thần, các em sẽ làm gì, mỗi người cho tôi xin câu trả lời trong 20 giây nhé. Nhớ nói lý do.
Thế là cả lớp xôn xao hăng hái thi nhau phát biểu. Ta có được vô số cách để làm tinh thần thư giãn sau đây:
- xem phim, vì phim đưa ta vào một thế giới khác tạm thời, và làm ta bớt áp lực với công việc hiện tại.
- nghe nhạc, hoặc đánh đàn, vì âm nhạc là nghệ thuật đỉnh cao, có thể khiến ta rời xa thực tại rắc rối.
- đá bóng, rèn luyện thể lực, vì hoạt động tay chân làm giảm bớt hoạt động trí não.
- chat online với bạn bè hay người yêu, vì sự chia sẻ làm ta nhẹ lòng.
- câu cá, vì sự hồi hộp chờ cá cắn câu, vì khung cảnh sông nước thơ mộng sẽ khiến ta khuây khỏa.
- khiêu vũ ở club, vì hội chứng đám đông, vì dùng cả sự vận động của cơ thể để thụ hưởng âm nhạc, sẽ khiến muộn phiền tan biến.
- đi bộ ở công viên, hít không khí trong lành, tiếp xúc với cây cỏ thiên nhiên, làm ta thư giãn thật sự.
- tập yoga của Ấn Độ hay khí công của Việt Nam, sẽ giải tỏa ngay lập tức mọi stress của tâm trí.
- tập tọa thiền của Đạo Phật, đó là trực tiếp hóa giải tâm trí lăng xăng loạn động.
Ngoài ra còn có những cách thư giãn nghe lạ tai như đi coi bói, đoán thời tiết, ăn vặt, rình nghe hàng xóm làm gì....
Không khí cả lớp thật vui nhộn. Sau đó mọi người hỏi ý kiến của vị giáo sư già, ông từ tốn nói:
- Tôi tôn trọng các cách thư giãn của các em vì ắt hẳn là các em thực sự tìm thấy hiệu quả của nó. Còn tôi có cách riêng của mình và cũng thấy nó hiệu quả. Tôi chỉ cho các em mỗi người 20 giây, nhưng tôi lại nói dài hơn tí thật là không công bằng, nhưng thôi, hãy chìu kẻ già nua này nhé.
Khi tôi soạn giáo án, viết bài tham luận hội thảo, đọc chấm các bài tập, duyệt các bài viết, dự họp chuyên môn về, thực sự là rất căng thẳng. Không phải căng thẳng vì chuyện sai trái gì, chỉ là bộ não làm việc nhiều quá nên tăng áp thôi.
Ban đầu tôi cũng dùng nhiều cách thư giãn giống các em, thậm chí còn tham gia câu lạc bộ đánh võ đối kháng nữa, mang găng, đội mũ đánh loạn xạ. Về sau sức khoẻ kém, tôi thay đổi cách thư giãn. Bây giờ thì tôi chỉ còn giữ lại 3 cách thư giãn.
Một là ngồi thiền tĩnh tâm.
Hai là tập khí công của võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Ba là đi nhặt rác dọc theo đường phố.
Cả lớp kêu ồ lên ngạc nhiên.
Vị giáo sư già nói tiếp:
- Tại các em không biết chứ nhặt rác đường phố có nhiều cái hay lắm. Thứ nhất là ý nghĩa bảo vệ đường phố sạch sẽ; thứ hai là làm gương cho mọi người không xả rác bừa bãi ra đường phố chung nữa; thứ ba là tập thông cảm với công nhân vệ sinh đường phố; thứ tư là vừa nhặt rác vừa nghiền ngẫm triết lý xem mình như cỏ rác; thứ năm là đó cũng là một cách lao động nhẹ nhàng tinh tế; thứ sáu là, đó cũng là một hành vi thiện nguyện đáng khen.
Cứ sau khi đi nhặt rác đường phố về tắm rửa thay quần áo nằm võng nghe nhạc hay đọc sách, tôi thấy tâm mình hạnh phúc hơn trước đó.
Nhiều tiếng cất lên:
- Thầy cho tụi con đi nhặt rác với...
Tâm ta chỉ có hạnh phúc khi làm điều gì có lợi cho cộng đồng. Mà hạnh phúc thì chính là chân chính thư giãn rồi. Còn có những cách thư giãn không đem lợi ích cho ai, về lâu dài sẽ hết tác dụng thư giãn, thậm chí còn gây phiền toái.
Có người còn nâng cấp thư giãn thành giải trí, nghĩa là làm cái gì cho vui hẳn lên. Ta cẩn thận, nhiều diễn viên tên tuổi tự sát vì tìm vui dồn dập, đến khi tăng liều lượng mà vẫn không vui thì rơi vào trầm cảm. Các trò giải trí tìm vui cũng khá giống ma túy, cứ buộc ta tăng liều lượng mãi. Mà đâu phải ai cũng có nhiều tiền để tìm vui mãi đâu.
Thay vì tìm vui, hãy làm điều có lợi cho cộng đồng, tuy cực chút nhưng ổn định bền vững.
VietBF@sưu tập