SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Món cháo sò huyết ngoài vị ngon ngọt của thịt sò huyết, nồi cháo còn được ninh nấu với xương ống heo đầy tủy thơm béo, và nấm rơm tăng thêm vị ngon cùng chất bổ dưỡng.
Quán cháo sò huyết ở số 265 Hàn Hải Nguyên, phường 2, quận 11, từ lâu đã trở thành một địa chỉ ghi nhớ đối với đông đảo thực khách tại Sài Gòn. Quán chế biến nhiều loại thực phẩm ăn kèm, như tôm, mực, hàu, thịt bò bằm,… và sò huyết là thức ăn kèm được nhiều thực khách Sài Gòn ưa thích nhất.
Sò huyết có nhiều nhất ở vùng biển Kiên Giang, Hà Tiên, cũng như tại vùng biển miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… Là loài sinh sống ở độ sâu của ven biển các vùng kể trên, nên khi thủy triều xuống, ngư dân mang thúng, lội bùn để bắt sò huyết.
Chủ quán cháo sò huyết cho biết: “Người bà con chúng tôi là ngư dân ở vùng biển Kiên Giang, biểu khi dùng cào để bằt sò huyết thì vừa nhanh vừa bắt được nhiều hơn là khi dùng thúng. Sò huyết là món ăn rất bổ dưỡng, nhứt là món cháo sò huyết. Nên tại quán chúng tôi, món cháo sò huyết được bà con ưa chuộng hơn hết.”
Nơi chế biến món ăn. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)
Đúng như lời chủ quán, món cháo sò huyết được quán chế biến nhiều nhất mỗi ngày, phục vụ hết lớp khách này tới lớp khách khác. Món cháo sò huyết được chế biến công phu hơn cả, so với các món cháo ăn kèm với tôm, hàu, bò bằm…
Để có tô cháo thơm ngon, trước hết quán luôn chọn loại gạo lúa mùa ngon nhất, vo sạch, chờ ráo nước thì đem rang cho hạt gạo ngả màu vàng. Khi nồi nước đã sôi, trút gạo vào nồi để ninh nấu cho mềm. Trước khi ninh nấu cháo, gạo được rang, nên khi nấu đã mềm, hạt gạo vẫn còn giữ hình dạng, không nát nhừ, sẽ rất ngán khi ăn.
Sò huyết trước khi ăn kèm với cháo được chế biến khá kỹ lưỡng, nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn chất vị ngon ngọt của loài hải sản này. Trước hết, ngâm sò huyết trong nước lạnh vài ba tiếng đồng hồ để sò huyết nhả sạch bùn đất. Sau đó dùng bàn chải chà rửa sạch phía ngoài vỏ sò.
Quán cháo sò huyết. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)
“Ngoài nấu cháo, sò huyết là thức ăn kèm, thì sò huyết được ăn như món ăn chính mà người vùng Kiên Giang rất ưa chuộng. Họ chế biến món sò huyết rất chuyên nghiệp: sau khi chà rửa sạch ngoài vỏ, để sò huyết ráo nước đặng cho vào tô, rồi chế nước sôi ngập tô. Những con sò sẽ hé mở miệng đỏ tươi. Vắt miếng chanh vào miệng sò, rồi dùng đũa cạy miệng con sò, lấy phần thịt sò huyết chấm muối tiêu chanh để thưởng thức. Món ăn này được người Kiên Giang kêu là sò huyết trụng nước sôi, hay sò huyết tái chanh, một món ngon, đậm nét nguyên sơ của vùng quê ven biển,” chủ quán hướng dẫn thêm cách ăn sò huyết.
Anh Kỳ, nhà ở Kiên Giang, lên Sài Gòn sinh sống từ lâu, nói: “Ngoài món sò huyết mang tên sò huyết trụng nước sôi, sò huyết tái chanh như ông chủ quán nói, tui từng thưởng thức món sò huyết rang me của người Kiên Giang. Tức là sau khi chạo sò cho nó há miệng, trút ra tô, lấy me chín bỏ hột rồi dầm vào nước nóng. Lại bắc chảo cho nóng lên, thêm dầu ăn, tỏi bằm, các thứ gia vị như bột ngọt, đường, hạt tiêu, tương, cà, sa-tế… rồi cho sò huyết vô chảo trở lại, rang đều với các thứ vừa kể. Sò huyết rang me, ăn chung với rau răm, muối tiêu chanh, ngon đặc biệt!”
Nhìn tô cháo sò huyết mang màu đỏ của huyết và thịt của sò huyết, màu xanh của rau đắng, màu trắng của giá sống… đẹp như một bức tranh đầy màu sắc.