Sau một cơn đau tim nguy hiểm nhất suýt lấy đi mạng sống, Jenna Tanner chia sẻ trải nghiệm cận tử khiến bà thay đổi hoàn toàn cách nhìn về cuộc sống.
Sự việc xảy ra năm 2022, được Tanner chia sẻ với truyền thông hôm 22/7. Vào một buổi sáng tháng 4, bà mẹ ba con đến từ Oklahoma bất ngờ gục xuống sau những dấu hiệu đau ngực và khó thở. Trước đó vài ngày, bà nhầm lẫn các triệu chứng này với bệnh cúm, căn bệnh mà các con bà vừa mới khỏi. Tuy nhiên, tình trạng của bà nghiêm trọng hơn rất nhiều: cơn đau tim do tắc nghẽn hoàn toàn động mạch vành trái, động mạch lớn nhất của tim, với tỷ lệ sống sót chỉ khoảng 12%.
"Tôi cảm giác như có một con voi đè lên ngực mình. Ngay lập tức tôi biết có chuyện nghiêm trọng đang xảy ra", Tanner kể lại. Bà nhớ rất rõ cảm giác bản thân như rời khỏi cơ thể, lơ lửng trong không gian, trôi gần về phía một tinh vân đầy màu sắc, lấp lánh như bầu trời sao.
"Không có điều tồi tệ nào hiện về. Những gì tôi nghĩ đến chỉ là các mối quan hệ tôi từng có trong đời, với con người và những nơi chốn. Tất cả đều là những điều đẹp đẽ", bà nói.
May mắn, gia đình đã gọi cấp cứu kịp thời. Đội phản ứng nhanh có mặt sau 13 phút và tiến hành hồi sức tim phổi, giúp bà vượt qua cơn nguy kịch. Bác sĩ tim mạch điều trị cho Tanner thừa nhận đây là trường hợp hy hữu nhất trong hơn 4.000 ca ông từng thực hiện suốt 20 năm hành nghề.
"Tôi thậm chí không nghĩ ai có thể sống sót sau chuyện như vậy", ông nói.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã cấy ghép một thiết bị bơm tim và đặt stent mở rộng động mạch bị hẹp, khôi phục lưu lượng máu đến tim Tanner. Thủ thuật này thông thường yêu cầu phẫu thuật bắc cầu tim.
Chỉ sau 10 nằm viện, trong đó 6 ngày phải nằm tại phòng chăm sóc đặc biệt, Tanner đã tự đi ra ngoài mà không cần đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Tuy nhiên, quá trình hồi phục không hề dễ dàng. Bà tăng gần 20 kg, sau đó giảm lại, và mắc hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Hiện, bà phải sử dụng 13 loại thuốc để kiểm soát các triệu chứng.

Jenna Tanner tại bệnh viện. Ảnh: Jenna Tanner
Đội cứu hỏa có trụ sở gần nhà bà Tanner là lực lượng đầu tiên đến hiện trường và thực hiện các biện pháp sơ cứu quan trọng. Nhờ phản ứng nhanh chóng và hiệu quả, họ đã được trao giải thưởng ghi nhận thành tích cứu sống người bệnh.
Các bác sĩ chẩn đoán bà bị đau tim dạng Widowmaker, xảy ra khi cục máu đông tắc nghẽn hoàn toàn động mạch vành trái (LMCA), động mạch quan trọng nhất của tim. Trong vòng vài phút, tình trạng này có thể cắt đứt nguồn oxy cung cấp sự sống cho tim, khiến mô tim chết dần. Ngay cả khi được điều trị kịp thời, tổn thương mô do loại đau tim này gây ra vẫn có thể không đảo ngược được, ảnh hưởng lâu dài đến chức năng tim.
Các nhà nghiên cứu hiện kêu gọi cập nhật hướng dẫn y tế hiện hành để nhiều người có thể được kiểm tra sớm các dấu hiệu cảnh báo, giúp cứu sống hàng nghìn bệnh nhân.
Trường hợp của bà Tanner xảy ra trong bối cảnh số ca tử vong sớm do đau tim và đột quỵ đang tăng đáng lo ngại. Năm ngoái, tỷ lệ tử vong vì bệnh tim tại Anh cao nhất trong hơn một thập kỷ, với khoảng 420 người trong độ tuổi lao động qua đời mỗi tuần. Tổng cộng có 21.975 người tử vong vì bệnh tim mỗi năm.
Tại Mỹ, bệnh tim vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu, với gần 1 triệu ca chết mỗi năm.