
(Minh họa: Cytonn Photography/Unsplash)
Điện Kremlin từng nói rằng, bất cứ ai lên làm Tổng thống Mỹ thì mối bang giao giữa Mỹ-Nga vẫn không có gì thay đổi. Nghĩa là Mỹ vẫn cứ xem Nga là đối thủ, chứ không phải là bạn.
Tuyên bố mới đây của Tổng thống đắc cử Donald Trump, cho rằng,
"Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi Ukraine" càng chứng minh nhận định của Điện Kremlin đã đúng khi nói ra như thế về mối bang giao này. Và một khi đã xem Nga là đối thủ thì hẳn Hoa Kỳ sẽ không để cho Nga là kẻ giành chiến thắng ở Ukraine.
Có thể nói rõ hơn, ông Trump chưa bao giờ có lời tuyên bố nào rõ ràng như vậy về cuộc chiến ở Ukraine. Trước khi ông thắng cử, những người ủng hộ lo ngại rằng nếu trở thành tổng thống, ông sẽ cắt ngay nguồn viện trợ cho Ukraine, để cho nước này sẽ ra sao thì ra, và Hoa Kỳ không hề bận tâm đến. Nhưng bây giờ thì đã rõ, ông không phải là người như vậy. Ông sẽ không cắt viện trợ cho Ukraine, ông sẽ không bỏ rơi Ukraine. Thật là mừng cho Ukraine, nước đang bị xâm lược, và thật là đáng thất vọng cho Nga, nước với mưu đồ bá quyền.
Có thể tin rằng ông Trump đang có đồng quan điểm với cựu Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg khi ông này từng phát biểu rằng, nếu Nga thắng trong cuộc chiến này thì Putin sẽ tin về việc sử dụng bạo lực sẽ đem lại hiệu quả.
Và phải thừa nhận ông Stoltenberg đã rất chí tình, khi nói:
"Khi hỗ trợ cho Ukraine, chúng ta cũng phải trả giá khi các lệnh trừng phạt khiến cho mức lạm phát và vật giá leo thang. Nhưng hãy nhớ rằng, cái giá mà chúng ta phải trả có thể được đo đếm bằng tiền. Còn Ukraine đang phải đánh đổi bằng mạng sống con người"
Việc có 6 thành viên NATO, gồm Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý và Ba Lan, hôm 12 tháng Mười Hai đưa ra tuyên bố chung ủng hộ kế hoạch cho Ukraine gia nhập liên minh quân sự này và cam kết ủng hộ các điều khoản hòa bình do Tổng thống Zelensky đưa ra, càng cho thấy quyết tâm của NATO rằng, sẽ không để cho Nga giành được chiến thắng trong cuộc chiến xâm lược ở Ukraine.
***
Ngày 12 tháng Mười Hai, Không Quân Israel cho biết họ đã cho tiến hành hơn 500 cuộc tấn công vào các khu vực cất giữ vũ khí đạn dược của Syria từ khi chế độ Assad bị sụp đổ, nhằm để làm thay đổi hoàn toàn và chấm dứt vĩnh viễn mối đe dọa mà Syria có thể gây ra cho Israel trong tương lai.
Câu hỏi đặt ra là tại sao người đứng đầu phe nhóm đối lập ở Syria là Abu Mohammad al-Jolani chỉ lên tiếng lên tiếng phản đối cho có lệ về việc các chiến đấu cơ Israel tự tung tự tác trên đất nước của mình. Câu trả lời hẳn là do ông ta không hề muốn xem Israel là kẻ thù và không hề có ý định sử dụng kho vũ khí của chế độ Assad để lại nhằm đe dọa Israel, nước đáng được xem là ân nhân của các phe nhóm đối lập ở Syria do đã giúp cho họ đánh bại kẻ thù cực mạnh là bọn khủng bố Hồi giáo Hezbollah.
Thậm chí, có thể tin rằng các lực lượng đối lập ở Syria còn muốn xem Israel là đồng minh, là cái ô dù cho một nước Syria mới trước mối đe dọa có thể đến từ Iran, nước đã hầu như mất đi các tay sai thân tín quan trọng trong cái gọi là "Trục kháng chiến" gồm bọn Hamas và Hezbollah do sự sụp đổ của chế độ Assad. Nếu vậy, có thể nói đó là một chính sách đối ngoại rất thông minh của phe đối lập Syria, đứng đầu là al-Jolani, người vừa tuyên bố Syria sẽ bắt tay vào việc cho tái tái thiết và không can dự bất cứ cuộc xung đột nào.
Cầu mong cho đất nước Syria, sau nhiều năm chịu đựng lắm nổi khổ đau mất mát do chế độ độc tái thối nát của tên Assad, sẽ được lèo lái bởi các lãnh tụ khôn ngoan, sáng suốt, biết sống vì dân vì nước và đặt tổ quốc lên trên lợi ích riêng.