VietBF

VietBF (https://www.vietbf.com/forum/index.php)
-   Stories, Books | Chuyện, Sách (https://www.vietbf.com/forum/forumdisplay.php?f=240)
-   -   Thấy những con lười đi bộ qua đường chậm quá, Costa Rica đã xây 130 chiếc cầu vượt dành cho chúng (https://www.vietbf.com/forum/showthread.php?t=1551628)

TinNhanh247 12-05-2021 19:37

Thấy những con lười đi bộ qua đường chậm quá, Costa Rica đã xây 130 chiếc cầu vượt dành cho chúng
 
4 Attachment(s)
Nếu bạn đâm phải một con lười trên đường cao tốc, lỗi đó thuộc về bạn.

Những con lười leo cây đã chậm, chúng đi bộ dưới đất thậm chí còn chậm hơn. Như tôi đã đề cập trong một bài viết trước đây, tốc độ di chuyển tối đa của một con lười trên cây là 4,5 mét/phút. Thoát ra khỏi môi trường sinh sống quen thuộc của chúng, ở dưới mặt đất một con lười thậm chí chỉ bò được 3 mét mỗi phút mà thôi.

Điều đó có nghĩa là để băng qua một con đường 4 làn xe rộng 9 mét, một con lười phải mất ít nhất 3 phút. Với vận tốc di chuyển 60 km/h, việc phải dừng ô tô lại và chờ một con lười qua đường sẽ khiến bạn chậm mất 3 km so với kế hoạch.

Nhưng những con lười đâu phải luôn băng qua đường theo một lộ trình ngắn nhất. Đôi khi chúng đi chéo, đôi khi chúng dừng lại giữa đường, ngoảnh mặt đi, ngoảnh mặt lại rồi mới nhấc chân, nhấc tay bước tiếp.

Các thống kê cho thấy một con lười mất trung bình tới 10 phút để băng qua đường. Nhìn chúng thôi là bạn sẽ thấy mất kiên nhẫn, và có cảm tưởng cả xa lộ này bỗng chốc biến thành một lớp tập yoga.

Những cây cầu vượt dành cho lười ở Costa Rica
Nhưng cũng cần phải nói rằng những con lười thực sự không có lỗi. Chúng chỉ đang cố gắng sinh tồn. Lý do mà lười lúc nào cũng cử động chậm chạp giống như một điệp viên đang né tránh hệ thống laze an ninh trong bảo tàng là để tiết kiệm năng lượng. Chỉ có vậy chúng mới có thể tồn tại với một chế độ ăn toàn là lá cây ít calo.

Môi trường sống lý tưởng của chúng là một tán rừng rậm rạp, nơi hành động di chuyển chậm chạp cũng giúp lười không gây chú ý cho kẻ thù của chúng, những con báo đốm và đại bàng harpy thường xuyên ăn thịt lười.

Bởi vậy, nếu bạn đâm phải một con lười trên đường cao tốc, lỗi đó thuộc về bạn. Chúng ta là một trong số những con người đã xây những con đường cắt qua và chia tách môi trường sống của chúng. Một con lười ở bên này đường bây giờ có thể phải đi sang bên kia để tới được nguồn nước.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra nếu bạn tình của chúng ở phía bên kia cánh rừng. Để tới được đó, lũ lười bây giờ phải mạo hiểm tính mạng của chúng băng qua đường, đối diện với những sinh vật bốn bánh chạy nhanh hơn chúng 500 lần.

Đôi khi, những con lười chọn một hướng đi khác, chúng leo qua đường dây diện chỉ để bị giật mà không biết tại sao.


Một con lười đang đu qua cây cầu vượt dành riêng cho mình.

Bởi vậy ở Costa Rica, Tổ chức Bảo tồn Lười có trụ sở tại miền nam nước này đang cố gắng giúp những con lười thích nghi với môi trường thay đổi. Họ đã xây 130 chiếc cầu vượt bằng dây thừng tại những địa điểm mà lũ lười thường băng qua đường ô tô chạy.

Mỗi chiếc cầu vượt như vậy có giá lắp đặt khoảng 200 USD. Nhưng nó có thể giúp lũ lười tăng tốc độ di chuyển đồng thời tránh được mối hiểm họa từ đường xe chạy.

Tổ chức Bảo tồn Lười Costa Rica cũng làm việc với công ty điện địa phương, và cả với các chủ sở hữu bất động sản gần đó để che chắn đường dây điện của họ, những thứ mà con lười đôi khi bám vào ở những khoảng rừng cây đã trở nên thưa thớt.

Một nỗ lực bảo tồn
Rebecca Cliffe, người sáng lập Tổ chức Bảo tồn Lười Costa Rica cho biết: "Nếu bạn đưa ra những cách an toàn để chúng có thể đi từ cây này sang cây khác, những con lười sẽ không bị chó tấn công vì chúng vẫn ở trên tán cây, chúng không bị điện giật vì đang sử dụng dây thừng thay vì dây cáp. Với một chiếc cầu vượt như vậy, không ai có thể làm phiền những con lười được nữa".

Khu vực miền Trung và Nam Mỹ hiện là nhà của cả 6 loài lười còn sống trên Trái Đất. Nhưng tốc độ đô thị hóa, nạn phá rừng và buôn bán vật nuôi trái phép ở Venezuela, Panama và Brazil đang ngày càng đe dọa đến quần thể lười ở đây.


Một con lười mẹ cõng lười con băng qua đường.

Với Costa Rica nói riêng, đất nước này đã trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Dân số của họ đã tăng gấp gần 5 lần từ năm 1950 đến năm 2000. Vào năm 2016, hơn 70% người Costa Rica sống ở các thành phố. Mặc dù nạn phá rừng trên diện rộng đã được kiểm soát chậm lại, các thành phố của Costa Rica, đặc biệt là San José, lại đang đô thị hóa và mở rộng nhanh chóng.

Bờ biển phía Nam vịnh Caribbean của Costa Rica được cho là một trong những khu vực chậm hiện đại hóa hơn cả. Khi Cliffe đến đó hơn 10 năm trước, đường sá vẫn chưa trải nhựa, ô tô đi lại cẩn thận, và mỗi cái cây ở đây đều có ít nhất một con lười.

Nhưng trong những năm trở lại đây, du lịch ở khu vực này đã phát triển đáng kể. "Tôi đã thấy họ phát triển du lịch ồ ạt và khiến mọi thứ bùng nổ", Cliffe nói. "Bây giờ ở đó có một con đường cao tốc. Đôi khi nó có thể bị tắc dài tới hàng cây số trong đêm".

Ở các vùng khác của Costa Rica, mọi chuyện thậm chí còn tệ hơn thế. Quần thể lười ở các khu vực này đã gần như biến mất toàn bộ. Vùng bờ biển phía nam Vịnh Caribbean là nơi duy nhất mà Cliffe hi vọng mọi thứ chưa quá muộn để bảo vệ loài lười.

"Chúng tôi đang được trao một cơ hội rất tốt ở khu vực này, để cố gắng đạt được sự chung sống cân bằng với động vật hoang dã. Bởi vì đây là một khu vực mới chỉ phát triển gần đây. Vẫn còn cơ hội để đảo ngược thiệt hại và đưa mọi thứ trở về đúng vị trí của nó".


Không chỉ có những con lười, camera đã ghi lại được ít nhất 20 loài động vật khác cũng sử dụng cây cầu vượt này.

Con người có thể chung sống với động vật hoang dã
Khi nói đến việc thích nghi với tốc độ và sự chia cắt của quá trình đô thị hóa, lười không phải là loài duy nhất bị ảnh hưởng. Điều đó có nghĩa là những chiếc cầu vượt có thể giúp được cả những sinh vật khác trong rừng nhiệt đới.

Kể từ khi Tổ chức Bảo tồn Lười Costa Rica xây dựng chúng, họ đã quan sát thấy ít nhất hơn 20 loài cũng sử dụng những sợi dây thừng này để qua đường. Chúng bao gồm các loài bò sát, lưỡng cư và linh trưởng.

Trên khắp thế giới, nhiều loại hình cầu vượt dành riêng cho động vật hoang dã cũng đã được xây dựng. Chẳng hạn như ở Australia, người đã đã làm những cây cầu qua đường cho cua đỏ. Ở tiểu bang Massachusetts của Mỹ có một đường hầm dành cho kỳ nhông. Và ở Nhật Bản họ cũng xây những đường hầm dành cho rùa đi bên dưới đường ray xe lửa.


Một cây cầu qua đường cho cua đỏ ở Australia.

Quốc hội Mỹ thậm chí đã thông qua một dự luật cơ sở hạ tầng, cho phép giải ngân một khoản 350 triệu USD chỉ để xây dựng những cây cầu vượt và hầm chui cho động vật hoang dã.

Đó có thể được coi là một khoản đầu tư thông minh, bởi chỉ riêng các vụ xe hơi va chạm với động vật hoang dã khiến Hoa Kỳ thiệt hại 8 tỷ USD mỗi năm để khắc phục thiệt hại.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biological Conservation cho thấy chỉ trong một tháng phong tỏa giữa đại dịch COVID-19, tỷ lệ tử vong của động vật hoang dã lớn như hươu và sói đồng cỏ ở 4 bang của Hoa Kỳ đã giảm 34% chỉ vì lưu lượng xe cộ thưa thớt dần.

Những cây cầu vượt dành cho động vật hoang dã bây giờ sẽ là một phần trong số các nỗ lực tổng thể giúp khắc phục và cân bằng lại môi trường sống dành cho chúng. "Đó là một mình chứng cho thấy con người và động vật hoang dã vẫn có thể cùng nhau tồn tại", Cliffe nói.


All times are GMT. The time now is 23:01.

VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2024
User Alert System provided by Advanced User Tagging (Pro) - vBulletin Mods & Addons Copyright © 2024 DragonByte Technologies Ltd.

Page generated in 0.04022 seconds with 9 queries