VietBF

VietBF (https://www.vietbf.com/forum/index.php)
-   Stories, Books | Chuyện, Sách (https://www.vietbf.com/forum/forumdisplay.php?f=240)
-   -   Viện dưỡng lão ở Mỹ đi vào ngõ hẹp (https://www.vietbf.com/forum/showthread.php?t=1009106)

Hanna 09-13-2016 02:49

Viện dưỡng lão ở Mỹ đi vào ngõ hẹp
 
1 Attachment(s)
Vietsn.com -- Không chỉ riêng ở VN mà ở Mỹ người già cũng thích sống ở nhà hơn là ở viện dưỡng lão. Dưới đây là bài viết tả lại những nhận xét cá nhân của một người về mô hình nhà dưỡng lão ở Mỹ. Nói chung chỉ đến sinh hoạt rồi về nhà ở chứ không như tưởng tượng.

Tâm tư nguyện vọng của người cao tuổi là được sống ở nhà mình. Việc đưa ông bà vào trại dưỡng lão, có khi chỉ là ý kiến chủ quan của con cháu.

Tôi thuộc thế hệ 7x, sinh ra ngay sau chiến tranh, thế hệ bùng nổ dân số. Bản tính thích tự do, tôi thường tự nhủ khi về già không nên sống cùng con cháu. Tôi qua Mỹ theo học bổng của chính phủ Mỹ, với mục tiêu số một là học mô hình nhà dưỡng lão.

76,4 triệu người thuộc thế hệ bùng nổ dân số ở Mỹ (1), đồng loạt đến tuổi nghỉ hưu từ khoảng năm 2010.

Khi còn ở trong nước, tôi vốn hình dung phần lớn người cao tuổi ở Mỹ đều sống ở trung tâm dưỡng lão khi về già. Họ rất hạnh phúc, được ăn ở sinh hoạt cùng nhau ở trong các trung tâm dưỡng lão.

Cảnh xế chiều của Viện dưỡng lão

Trong 3 tháng đầu tôi học ở Đại học California-Davis (UCDavis), thuộc tiểu bang California, và xin làm thực tập sinh ở Trung tâm Người cao tuổi Davis. Khi không tìm thấy khu nhà ở nội trú của người cao tuổi, tôi đem thắc mắc đi hỏi, và được biết ở đây không có trung tâm dưỡng lão.

Người cao tuổi đều sống ở nhà của họ cùng với cộng đồng. Tôi tham gia các hoạt động cùng với người cao tuổi ở Trung tâm, từ chơi bingo, tập thể dục với dải băng nilon, tập thái cực quyền, múa hula truyền thống của người Hawaii, đến đan len để cho người nghèo, hoặc bán lấy tiền làm từ thiện. Các cụ đến đó sinh hoạt, ăn trưa với giá phụ cấp, rồi chiều đi xe buýt ưu tiên về nhà. Những cụ không đến được trung tâm do sức khỏe yếu, chương trình dự án Bánh xe Thức ăn sẽ mang cơm đến tận nhà.

http://intermati.com/forum/attachmen...1&d=1473734869
Tác giả tập thể dục cùng với người cao tuổi ở Trung tâm Người cao tuổi Davis. Ảnh: Nguyễn Thị Thu Đông
Sau 3 tháng ở Davis, tôi chuyển về Đại học Minnesota ở Trung – Tây nước Mỹ, ở gần Canada. Bố mẹ đỡ đầu (host family) ra đón tôi ở sân bay. Hai ông bà đều đã ngoài 75, vẫn tự lái xe.

Ở buổi chào đón các học giả của chương trình, tôi thấy các bố mẹ đỡ đầu khác cũng đều đã già, cũng đều tự lái xe. Không ai sống ở trung tâm dưỡng lão.

Tôi đi thăm một vài cơ sở chăm sóc người cao tuổi và nhận ra rằng dịch vụ Viện dưỡng lão đang đi đến cảnh xế chiều. Nhiều trung tâm phải đóng cửa và loay hoay không biết nên tận dụng cơ sở vật chất cho việc gì. Điều này cho thấy mô hình viện dưỡng lão để chuẩn bị cho thế hệ bùng nổ dân số khi về già ở Mỹ, đã tiêu tốn rất nhiều tiền đầu tư, là một thất bại.

Và một câu chuyện thành công

Sau quãng thời gian nghiên cứu các trung tâm dưỡng lão, các trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà, tôi xin làm thực tập viên ở Trung tâm Người cao tuổi ở Công viên Di sản, thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota. Đây là mô hình một cửa dành cho người cao tuổi (one-stop-shop), lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ cách đây 3 năm và cũng là mô hình hợp tác công – tư đầu tiên về chăm sóc người cao tuổi ở trên toàn liên bang Mỹ.

Tôi nhận ra, mục tiêu xuyên suốt mọi hoạt động của Trung tâm Người cao tuổi ở Công viên Di sản và của chính quyền tiểu bang Minnesota nói chung, là giúp người cao tuổi để người cao tuổi giúp chính mình và giúp cộng đồng. Họ nỗ lực để giúp người cao tuổi được khỏe mạnh, sống ở nhà riêng của họ, giữa cộng đồng dân cư, chứ không phải sống nội trú trong 2 khu nhà nói trên.

Tính về chi phí ngân sách, cách tiếp cận này tiết kiệm rất nhiều cho chính phủ Mỹ. Hai gói bảo hiểm Medicare và Medicaid cùng các chính sách xã hội khác là công cụ để nhà nước thực hiện sứ mệnh này.

Đừng “nhấc” bố mẹ già khỏi nơi chốn thân thuộc

Có bạn sẽ phản biện, người cao tuổi ở Mỹ thích sống ở nhà hơn ở Viện dưỡng lão, người Việt mình lại thích sống ở viện dưỡng lão hơn thì sao? Xin thưa với các bạn rằng, văn hóa cuộc sống của người Việt Nam ngàn đời nay luôn gắn với bà con chòm xóm, láng giềng.

Nếu đủ tiền để trang trải cho các cụ ở Viện dưỡng lão, thì nghĩa là các bạn có thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản đầu tiên là ăn uống ngủ nghỉ cho các cụ. Nhưng các bạn đâu thể mang không gian tinh thần vào trong Viện dưỡng lão và lên ngôi nhà đóng kín của các bạn ở phố được. Đừng nhấc các cụ ra khỏi nơi các cụ đã thân thuộc, gắn bó, nơi các cụ gọi là nhà, là quê, cho các cụ cảm giác an toàn.

Khi tôi chào tạm biệt bố mẹ đỡ đầu ở Mỹ về Việt Nam, ông bà nói năm sau ông bà không làm host family nữa, vì đang bận trợ giúp pháp lý cho một người bạn già hơn 90 tuổi ra khỏi Viện dưỡng lão. Con trai/ người bảo trợ của bạn bà tự ý đưa bà vào Viện dưỡng lão, trong khi bà chỉ muốn sống ở nhà. Muốn đưa bà bạn già ra khỏi Viện, phải có chữ ký đồng ý của người bảo trợ.

Thế mới thấy, ngay cả ở Mỹ, tâm tư nguyện vọng của người cao tuổi vẫn là được sống ở nhà mình. Việc đưa ông bà vào trại dưỡng lão, có khi chỉ là ý kiến chủ quan của con cháu.

Xã hội phát triển, cấu trúc gia đình ở Việt Nam cũng thay đổi từ nhiều thế hệ chuyển sang gia đình hạt nhân với 2 thế hệ là bố mẹ và ít con cái hơn. Việc chăm sóc bố mẹ khi về già là bài toán khó. Viện dưỡng lão là một giải pháp, nhưng không phải tối ưu. Ở Mỹ, viện dưỡng lão không nằm trong chiến lược đầu tư của nhà nước, cũng như không phải là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư.

Nguyễn Thị Thu Đông

* Nguyễn Thị Thu Đông là học giả của chương trình Fulbright-Humphrey do chính phủ Mỹ tài trợ. Cô tốt nghiệp Thạc sỹ Quản lý Phát triển ở Viện Quản lý Châu Á, Philippines và là sáng lập viên Quỹ nhân ái Người cao tuổi.

Gibbs 04-19-2024 16:50

Ở Canada họ thực hiện một ý tưởng tuyệt vời : kết hợp "Viện dưỡng lão" và "Nhà nuôi trẻ mồ côi". Kết quả vượt cả mong đợi.
Người lớn tuổi có cháu yêu thương, và trẻ em mồ côi lần đầu tiên học được tình yêu và sự quan tâm là gì.
Các bác sĩ ghi nhận sự cải thiện tất cả các chức năng quan trọng ở những người lớn tuổi, đánh thức sự hứng thú trong cuộc sống.
Ngoài ra hệ thống này cũng đang được triển khai tại Hoa Kỳ.
Phải đồng ý đây là ý tưởng thiên tài. Người già và trẻ nhỏ đều bị thiếu quan tâm.
Một ý tưởng như vậy sẽ không chỉ khiến những người lớn tuổi cảm thấy muốn và mong muốn, mà nó còn giúp họ truyền lại những kinh nghiệm của mình cho thế hệ trẻ.
Nhờ những cuộc gặp gỡ như vậy, trẻ em có thể cảm nhận được trí tuệ, kiến thức và đức hạnh từ bàn tay của những người đã từng trải qua một hành trình dài, giàu chuyên nghiệp và cuộc đời.

Mô hình nhà dưỡng lão cao cấp là một mô hình vô cùng hay, vài chục năm nữa, giới trẻ tiến bộ bây giờ sẽ già và có xu hướng sống khu vực các resort dưỡng lão 5 sao, nơi tập trung bạn bè ngày xưa để không làm phiền con cháu. Tuổi già là lúc rảnh rỗi rong chơi sau một thời mệt nhoài tuổi trẻ. Cứ đau ốm bệnh tật than khóc vì cơ thể đã lão hoá....sẽ ảnh hưởng tinh thần thế hệ sau, mang năng lượng tiêu cực nếu như sống chung với chúng. Mình cùng nhau gãi lưng tuổi già.
Người già thế hệ mới nên tích luỹ tiền khi còn trẻ và chủ động rời đi chứ con cháu không dám xa, sợ mang tiếng và sợ các cụ buồn. Nhưng trong lòng, cả 2 đều thấy không vui. Nên nhà dưỡng lão phải có loại đẳng cấp cao, sang trọng, có bác sĩ y tá thường xuyên....và thay đổi quan niệm nhận thức của xã hội về chữ HIẾU. Con cháu chỉ thường xuyên ghé thăm cha mẹ ở các resort dưỡng lão này thay vì sống chung, sẽ tốt hơn rất nhiều. Có sự cố gì thì bác sĩ y tá túc trực, xử lý sẽ giúp thọ hơn là gọi con cháu từ cơ quan chạy về đưa đi. Bạn bè từ thuở cấp 1 sẽ rủ nhau vô đó sống, sẽ sáng sớm là "hít vô nhè nhẹ, thở ra chầm chậm", rồi sau đó quánh bài tứ sắc tiến lên phỏm phiếc, chơi cờ bơi lội thể dục dưỡng sinh trồng hoa bắt bướm. Mặc bikini 1 mảnh hay 2 mảnh mà lép xẹp thì cũng chả ngượng gì, vì ai ai cũng đã màn hình phẳng. Bị mất trí nhớ do Alzheimer có nhiêu chuyện đó kể đi kể lại cũng chẳng sao. Bị Parkinson vẫn khiêu vũ cha-cha-cha như thường.
Về hưu là không màng thế sự nữa, chuyện danh lợi là chuyện của người trẻ. Mình chỉ còn sống rất ngắn thời gian, không tham, sân, si chi. Có thêm cỡ nào thì đồng hồ cát đời người cũng có vậy, không ai sống được quá trăm năm mà minh mẫn khoẻ mạnh. Nếu tầm mình thuộc hạng phong lưu, hào sảng thì dốc lòng cho đi, còn không đủ tấm lòng hào hiệp thì thôi, cũng đừng lấy thêm vào. Có trăm hecrate, có ngàn biệt thự, địa vị chức tước cỡ nào thì khi chết vẫn là hết. Con cháu tự nó làm tự ăn, không nên can thiệp, mình già rồi. Cứ "khi chén rượu khi cuộc cờ, khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" cho nó phong lưu 1 đời người. Thành phố là chốn kinh kỳ, bon chen tuổi trẻ. Về hưu là về thôn quê mà sống cho có khí trời. Già mà bon chen trà sữa với shopping mall là tụi nhỏ nó nói chết.
Chết là hết. Đất đai là cho người sống để sản xuất làm ăn. Việc chôn cất chiếm nhiều diện tích là không văn minh, bất động sản nghĩa trang ở nhiều nước đã cấm rất triệt để. Chết, hoả táng sạch sẽ coi như về cát bụi, một lọ tro nhỏ trong 1m2 đất nghĩa trang xa thật xa, đầy hoa thơm bướm lượn là quá đẹp cho A HAPPY ENDING. Con cháu nhớ thì làm đám giỗ, bận quá thì thôi, khỏi làm cũng được. Cho ăn thì lúc còn sống thì cho ăn chứ chết rồi, bày sơn hào hải vị lên trên bàn thờ đó có ý nghĩa gì. Toàn cúng thứ chúng nó muốn ăn chứ cúng xong, thấy có mất miếng nào đâu. Rồi cũng chẳng cần mấy tấm hình to đùng để trên bàn thờ nữa, cứ ngồi trên đó nhìn ngó mấy đứa nhỏ, tụi nó sợ. Hình ảnh là để lưu lại trong trái tim người khác.
Lúc sống mình tử tế thì hình ảnh này sẽ không bao giờ nhạt nhoà, còn nước thuốc rửa hình dù tốt cỡ nào cũng có sẽ lúc phai. Mình già rồi, lặng lẽ không làm phiền chúng nó. Khóc lóc chửi bới tiêu cực, lôi cái hiếu ra bắt chúng phải phục vụ mình thì cũng lãng phí thanh xuân của chúng nó quá. Mình có khi bệnh 1 tháng 30 ngày, nó còn vùng vẫy tứ phương chứ đâu thể nằm mãi trong bệnh viện theo mình được. Ngồi nhìn tivi và mấy bức tường, chờ chúng nó về để trò chuyện chi cho mệt. Mình trò chuyện với bạn bè ở chung với mình, có phải vui cả ngày không?
Hiểu tâm lý của người trẻ để giải phóng tư duy cho chúng nó. Và cũng giải phóng tư duy cho chính mình. Thế hệ sau không nên ở chung, tam đại tứ đại đồng đường theo văn hoá Trung Hoa là bi kịch lớn. Trong lòng luôn có mâu thuẫn dù không ai nói ra. Cứ ràng buộc nhiều, hy sinh nhiều rồi đòi hỏi báo hiếu báo ân khiến đời người rất mệt mỏi. "Hiếu" (孝) là 1 chữ thuần Trung Hoa, tiếng Anh chỉ có từ "trách nhiệm và tình thân" của con cái dành cho cha mẹ ông bà (responsibility and blood relationship). Mình chỉ sống 1 thời gian ngắn ngủi trên trái đất rồi ra đi, ráng tận hưởng sự thoải mái phong lưu càng nhiều càng tốt. Không thương yêu được thì coi như xoá khỏi bộ nhớ, không cần phải giận hờn nhau. Vài chục năm nữa chết mẹ roài, ngồi đó mà oán với chả hờn, giận với chả ghét. Vớ vẩn quá.
Việc xây các hoa viên chôn cất cũng là lãng phí tài nguyên rất kinh khủng. Người cứ sinh sôi, rồi chết đi, đất không nở thêm ra....nên việc chôn cất cả cái quan tài (địa táng) là tốn kém, quan niệm mồ to mả đẹp là rất lạc hậu, cần phải từ từ có nhận thức mới thay thế. Ở các nước văn minh, khi sống có thể không công bằng. Anh có biệt thự, anh có chung cư, anh vô gia cư ngủ ở hè phố, kẻ nổi tiếng, người vô danh...nhưng khi chết thì đều đốt xác hết, rồi 1 lọ tro nhỏ xíu bỏ vô nghĩa trang là một công viên, ai ai cũng 1m2 như nhau, có tấm đá nhỏ ghi tên tuổi và hoa trồng xung quanh. Đời người, muốn làm gì thì làm cho đã, cho bõ khi còn sống, chứ không phải chần chừ hẹn kiếp sau. Kiếp sau có hay không thì không ai biết, nên kiếp này, phải chủ động sống cho tử tế, nhân ái và nhất là phải có thành tựu, vì nước mình còn nghèo quá.


All times are GMT. The time now is 01:20.

VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2006 - 2024
User Alert System provided by Advanced User Tagging (Pro) - vBulletin Mods & Addons Copyright © 2024 DragonByte Technologies Ltd.

Page generated in 0.03406 seconds with 9 queries